Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Một, 2015

Tựa gốc: Exodus: Gods and Kings

Đạo diễn: Ridley Scott

Diễn viên: Christian Bale, Joel Edgerton, Ben Kingsley

Sản xuất: 20th Century Fox.

EXODUS: CON ĐƯỜNG TỰ DO

“Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, và Ditah dành tặng bài viết này cho người con gái Ditah đang nhớ nhung – hy vọng em tìm được bài viết này”

Được dịp nghỉ lễ đầu năm, hôm nay Ditah có thời gian rảnh rỗi lượn lờ các rạp xi – nê và xem tất cả những bộ phim mà mình mong chờ. Lúc đầu, Ditah không dự định viết Review đâu, nhưng sau khi xem xong phim “Exodus: Gods and Kings” Ditah đã tự dặn với lòng bằng mọi giá sẽ viết review. Rồi Ditah mới chợt nhận ra rằng gần hai năm trời mà Ditah chưa viết bất kỳ một review nào! Có một câu nói rất nổi tiếng thế này: “ai rồi cũng thay đổi”, và điều này đúng với chính bản thân Ditah, như chính cái việc viết review phim vậy. Ditah chắc chắn không phải là nhà phê bình phim, cũng không phải người trong nghề. Ditah viết review đơn thuần thể hiện sự đam mê với loại hình nghệ thuật mình yêu thích, và viết review – cũng là một cách viết nhật ký thông qua một bộ phim mình đã xem. Ngày xưa háo hức lắm, cứ coi được phim nào là về cắm cúi viết ngay. Còn bây giờ, trước khi xem phim phải cân nhắc hay – dở, xem xong cũng để đó, rồi lại lao vào đủ thức công việc, đủ thứ lo toan. Đúng là thời gian trôi qua, cuộc sống thay đổi, vô tình Ditah cũng trở thành con người khác rất nhiều so với lúc xưa.

Điều đầu tiên Ditah muốn nói, đó chính là cách đặt tựa phim tiếng Việt “Cuộc chiến chống Pha – ra – ông”. Việc đặt tựa phim tiếng Việt trước giờ đã có quá nhiều tranh cãi, quá nhiều chủ đề bình luận trên các trang báo chính thống cũng như các diễn đàn mạng. Các nhà phát hành phim có cái khó của mình, khan giả có cách nghĩ của họ. Riêng Ditah trước giờ vẫn thích đặt tựa phim theo ý mình (tất nhiên là sau khi thưởng thức xong nội dung). “Exodus” bản thân từ này đã hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Hiểu theo cách chân phương nhất, tiếng Việt “Exodus” là sự ra đi. Còn hiểu theo kinh Thánh, “Exodus” là hành trình vĩ đại của nhân dân Do Thái (Hebrew) rời khỏi Ai Cập đi tìm miền đất hứa xuyên qua Hồng Hải. Ngày nay, Exodus còn được rất nhiều người ám chỉ một cuộc cách mạng hay một sự ra đi tìm kiếm tự do, tìm kiếm một phát minh vĩ đại hơn. Qua nội dung cũng như hàm ý mà các nhà làm phim muốn chuyển tải,Ditah thấy tựa đề “Hành trình tự do” sẽ hợp và gần gũi hơn.

Đây là một phim mang tính sử thi! Và khán giả mong chờ gì ở một phim mang tính sử thi như vậy? Thứ nhất, phải hùng tráng – chắc chắn rồi, và thứ hai, quan trọng hơn là tình tiết câu chuyện đi vào lòng người. Theo Ditah, phim chỉ làm tốt vế đầu: thể hiện được sự hùng tráng – nhờ vào kỹ xảo 3D, âm thanh và âm nhạc. Sự hùng tráng được thể hiện qua những cảnh chiến trường khốc liệt với kỵ binh, chiến xa và tầng tầng lớp lớp quân lính cùng việc tái hiện lại kinh thành Memphis uy nghi, rộng lớn với những Kim tự tháp, đền đài, cung điện. Có thể nói kỹ xảo 3D rất tuyệt: cảm giác về chiều sâu rõ ràng, hình ảnh chân thực, sắc nét và rất nhiều đại cảnh hoành tráng không thể bỏ qua. Âm nhạc cũng góp phần không nhỏ tạo nên không khí hùng tráng (có phần bi ai) này, Ditah không biết chính xác đây là thể loại gì, bắt nguồn từ đâu, hòa âm như thế nào nhưng Ditah cảm thấy hay và phù hợp với những gì đang diễn ra , và đặc biệt là âm nhạc đã tạo nên cái không khí huyền bí của bộ phim.

Câu chuyện Moses thống lĩnh nhân dân Do Thái tìm miền đất hứa đã quá quen thuộc với khán giả từ điện ảnh, truyền hình, kịch cho đến tiểu thuyết, truyện tranh. Chính vì nó quá quen thuộc nên khán giả cần một điều gì đó mới mẻ, đặc biệt là việc tạo nên cao trào. Nội dung phim xoay quanh ba xung đột. Thứ nhất, là xung đột giữa nhân dân Do Thái và giới cầm quyền Ai Cập, thứ hai là xung đột gia đình giữa một người con ruột (Ramses) và người con nuôi (Moses) và thứ ba chính là xung đột trong chính bản thân con người Moses. Theo Ditah, cả ba xung đột này chưa được khai thác triệt để và cũng chưa đưa mâu thuẫn giữa hai bên lên mức cao nhất.

Cụ thể, phim chỉ thể hiện được sự áp bức của giới cầm quyền Ai Cập đối với người Do Thái với những hành động đánh đập, chém giết, bắt lao động khổ sai. Điều này mới thể hiện được cái “khổ” của người Do Thái, còn cái khát khao tự do, khát khao được quay về nguồn thì chưa được diễn tả nhiều (có chăng chỉ là qua đối thoại giữa các nhân vật). Trong những bi kịch gia đình ngoài sự tham lam, quyền lực giữa đôi bên thì tình cảm phải là mối dây xuyên suốt. Trong câu chuyện này, chúng ta chưa bắt gặp được tình cha – con, anh – em, vua – tôi. Thay vào đó, là sự thù hận được đẩy đi quá xa, đến mức đem cả nhân dân của mình ra làm những con tốt thí. Quay lại với trường hợp của Moses, Ditah chưa thấy những điều lớn lao mà Moses đã làm được, hay chí ít là những tình tiết khiến anh trở nên vĩ đại – những điều kiện khiến anh có thể thống lĩnh mọi người và trở thành điểm tựa cho nhân dân.

Chính vì những điều Ditah vừa phân tích nên nội dung phim chưa sâu và chưa lấy được nhiều cảm xúc nơi khán giả. Nhưng đây vẫn là một phim giải trí tốt và rất đáng xem. Bên cạnh đó, phim có hai thông điệp (về tình yêu và đức tin) khiến Ditah rất tâm đắc. Cũng vì hai thông điệp này mà Ditah đã quyết tâm viết Review. Thứ nhất là thông điệp về tình yêu thông qua mối tình giữa Moses và Zippoah: “I love everything what I know about you. And I trust in what I don’t” (anh yêu những gì anh biết về em và tin tưởng những gì anh chưa biết). Ditah tin tình yêu xuất phát từ con tim, từ những cảm xúc đầu tiên chứ không phải trải qua bao nhiêu thời gian mới là yêu. Ví dụ. bạn quen ba người con gái, sau thời gian tìm hiểu bạn chọn một cô làm vợ thì Ditah cho rằng đó là sự lựa chọn – thiên về lý trí chứ không phải là con tim. Nhiều bạn xem phim xong có bình luận về mối tình Moses – Zippoah thế này : “sao nhanh quá, sao lẹ vậy”. Còn Ditah lại nghĩ như vậy rất hợp lý và lãng mạn, vì hai người đã tin tưởng nhau từ những lần gặp gỡ đầu tiên. Nhiều bạn bây giờ, yêu nhau sao nhanh quá: mới quen được vài ngày đã vội\nói tiếng yêu và cũng chia tay rất nhanh sau khi nói lên tiếng yêu này. Tình cảm đó giống như trò chơi một cuộc bán – mua. Tình cảm chỉ thực sự bền vững khi hai con người rung động, tin tưởng và sống vì nhau. Và quan điểm thứ hai làm Ditah suy nghĩ đó chính là : “Chúa ở trong chúng ta”. Rất nhiều Tôn giáo đã đề cập đến điều này: “Phật tại tâm” hoặc “chúng ta chính là Chúa trời”. Trong phim, Moses thường xuyên đối thoại với “người sứ giả” – nhưng sự thật làm gì có sứ giả nào? Chỉ có Moses đang đầu tranh tư tưởng với chính mình trong con đường anh tự hoàn thiện bản thân, và khi đã hoàn thiện mình, tìm được chân lý cũng như “chân, thiện, mỹ” bên trong, anh đã trở thành đấng cứu thế cho nhân dân Do Thái. Cuối phim, có một hình ảnh Ditah cho là rất đắt: hình ảnh “người sứ giả” đứng lẫn vào dòng người và biến mất. Điều này nói lên rằng, ai cũng có thể là Chúa trời, Chúa trời bên cạnh chúng ta nếu chúng ta biết tin tưởng và thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho những người xung quanh mình.

 

Read Full Post »