Feeds:
Bài viết
Bình luận

Review phim Joker (2019)

“ Remember? Ohh, I wouldn’t do that! Remembering’s dangerous. I find the past such a worrying, anxious place…I’m not exactly sure what it was. Sometimes I remember it one way, sometimes another. If I’m going to have a past,  I prefer it to be multiple choice. Ha ha ha!”

Tạm dịch: “Nhớ ư? Ồ, tao chả thèm nhớ. Nhớ nhung nguy hiểm lắm. Tao khám phá ra rằng quá khứ là một nơi đáng ghét, đầy lo lắng. Tao không nhớ chính xác nó nữa. Có khi nó kiểu này, có khi nó kiểu khác. Nếu tao có quá khứ, tao thích có nhiều lựa chọn hơn… ha ha ha…” Đó là những gì Joker đã nói trong bộ tiểu thuyết bằng tranh The Killing Joke (trò đùa chết chóc) của nhà văn Alan Moore. Con người sống ở hiện tại, tương lai thì chưa đến còn quá khứ tồn tại đâu đó trong cái gọi là trí nhớ. Quá khứ đẹp đẽ hay đau xót tùy thuộc vào cách chúng ta nhớ về nó. Quá khứ – hiện tại hay nói khác đi chính luật Nhân – Quả. Đó chính là vấn đề Ditah sẽ đề cập khi viết review “Joker”.

Điểm nhấn lớn nhất của phim là Joaquin Phoenix – diễn xuất của ông đã tiếp tục tạo nên sức sống mới cho một nhân vật kinh điển đã có tuổi thọ gần 80 năm: độc đáo, điên cuồng và không trùng lắp. Joaquin Phoenix hoàn toàn hóa thân thành Joker, từng cử chỉ, ánh mắt cho tới giọng cười quái dị đã lột tả đầy đủ quá trình chuyển biến tâm lý nhân vật: đau khổ – tuyệt vọng – kích động – thăng hoa.

Hình ảnh và âm thanh là một trải nghiệm tuyệt vời, sự kết hợp này tạo nên cao trào trong câu chuyện. Các khung hình được dựng lên là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa gốc máy + ánh sáng góp phần diễn tả tâm lý Joker trong từng thời điểm. Âm sắc khô, nhiều đoạn ầm ĩ khá khó chịu nhưng phù hợp với sự điên loạn và mất kiểm soát của Arthur.

Nhưng phim không phải không có khiếm khuyết, nếu làm được những điểm sau, Ditah nghĩ phim sẽ hoàn hảo hơn:

  • Có thể dụng ý của nhà làm phim là mô tả tâm lý và sự u ám của thành phố Gotham, nhưng phần đầu nhịp phim khá chậm, gây cảm giác buồn ngủ và nhàm chán.
  • Do tập trung vào Arthur Fleck nên tất cả những nhân vật khác trở nên mờ nhạt. Có cảm giác như, tất cả những người xung quanh đều có một việc làm duy nhất: tổn thương Arthur. Điều này làm Ditah cảm thấy gượng gạo, và Arthur bị tha hóa do sự sắp đặt… của biên kịch chứ không phải là một quá trình vận động tự nhiên của xã hội.

Nãy giờ Ditah nói nhiều về phim rồi, bây giờ sẽ là những giây phút Ditah tâm sự xung quanh nhân vật Joker này. Trong truyện tranh, Joker chưa bao giờ có một danh tính cụ thể, chỉ đơn giản là Joker. Joker là một nhân vật với quá khứ không rõ ràng, và ai cũng có thể là Joker. Mở rộng ra, Joker là một tư tưởng, một tư tưởng phản kháng trong xã hội hiện đại. Chắc có lẽ các bạn đều đồng tình với Ditah rằng, xã hội hiện nay khiến con người sống trong vô vàn áp lực: vấn đề tài chánh, nuôi dạy con, công việc, học hành…Từ gia đình cho đến công sở, từ người thân đến bạn bè, đồng nghiệp tất cả tạo nên một vòng tròn khép kín, gọi là xã hội. Vấn đề là ta phải giữ những mối quan hệ đó trong tầm kiểm soát. Hãy hình dung trong một ngày tồi tệ – one bad day: thằng sếp la mắng bạn vô cớ, đám đối tác không làm nhưng lại đổ trách nhiệm cho bạn, khi về nhà bạn nghe người hàng xóm phàn nàn về con mình. Lúc đó, bạn sẽ làm gì, có thể là sự mất kiểm soát, nói ra những lời không nên nói, làm những điều không nên làm và gây tổn thương người khác. Đó chính là Joker, kẻ khơi gợi những điều xấu xa trong tâm trí con người, và bất cứ ai cũng có thể là Joker. Trong thời kỳ suy thoái đạo đức, sự vô cảm là tội ác lớn nhứt.

Quay trở lại phim, Arthur không phải là người xấu. Điều đầu tiên chúng ta cảm nhận về nhân vật này, đó là một con người mắc bệnh lý tâm thần, nhưng anh vẫn có ước mơ, vẫn hiếu thảo với người mẹ già, vẫn muốn làm vui lòng trẻ em, khao khát có một tình yêu. Nhưng cuộc đời này tàn khốc lắm, đã tước bỏ đi tất cả những gì nhỏ nhoi nhất mà Arthur mong muốn: những lời chia sẻ động viên hay thậm chí là một cái ôm. Arthur sống giữa đời thực và những ảo vọng, giữa hiện tại và quá khứ không rõ ràng. Khi hắn không còn gì để mất, hắn ĐIÊN. Theo sau hành động điên cuồng của gã là gì, không phải là những nạn nhân bị hắn giết, mà là sự đồng cảm tới từ những con người đối mặt với xã hội bế tắc đó: không chỉ Joker khoác lên gương mặt hề, mà là rất rất nhiều người. Đối với họ, đó là sự giải thoát. Không phải Arthur là Joker mà xã hội đã tạo nên Joker. Đó là Nhân – Quả. Người đời vô cảm, tha hóa từng ngày, những giá trị tốt đẹp dần mai một, và xã hội ta đang sống dần trở thành một trại tâm thần không giới hạn. Thật đáng cười, và người kể câu chuyện đó, qua giọng cười quái đản – chính là Joker.

Khi xem phim, Ditah thương xót cho Arthur và thấy hả hê khi Arthur phản kháng, cầm súng bắn thẳng vào những người mà hắn ghét. Có lẽ, Ditah đã dần dần nối gót, trở thành Joker tiếp theo. Nhưng khi bình tâm lại, đó không phải là điều đúng đắn. Cuộc sống này, vẫn sót lại những điều tốt đẹp nhỏ nhoi. Và anh hùng là những người bảo vệ những điều tốt đẹp còn lại đó, bằng những việc làm rất thiết thực như đem lại nụ cười cho trẻ em, một câu nói làm ấm lòng người đối diện- đừng như Joker!

Bài viết đã dài, nếu bạn là ai, cảm ơn bạn đã đọc đến dòng này. Ước muốn của tôi là chia sẻ những suy nghĩ của mình, thật tuyệt nếu bài viết này có ý nghĩa với bạn và giúp bạn cảm thấy thoải mái. My name is Ditah, and I am Joker’s fan!

Review Avengers: Endgame

Review Avengers: Endgame

Xin chào các bạn, hôm nay Ditah sẽ cùng các bạn nói về một trong những sự kiện hot nhất thời gian gần đây, đó là bộ phim Avengers: Endgame chính thức ra rạp ngày 26/04 trên toàn thế giới. Sau khi xem xong, có một điều Ditah muốn nhấn mạnh về bộ phim này, đó là: cảm xúc, cảm xúc và cảm xúc. Không nhớ được lần gần nhất Ditah viết review phim là khi nào, nhưng có lẽ là cũng lâu lắm rồi, cuộc sống đôi khi khiến chúng ta quên mất những thú vui ngày nào. Nhưng chính những cảm xúc đó đã mang Ditah đến với bài review này. 11 năm đã trôi qua kể từ ngày Tony Stark khoác lên mình bộ giáp huyền thoại, mở đầu kỷ nguyên siêu anh hùng. Mười năm đánh dấu nhiều sự kiện trong cuộc đời mỗi người. Nếu bạn nào theo dõi MCU từ đầu, có lẽ đã trải qua nhiều sự kiện trọng đại và bể dâu cuộc đời. Nào, chúng ta cùng điểm qua những gì bộ phim đã thể hiện nhé.

·      Kịch bản: Marvel đã tiên phong khái niệm gọi là “vũ trụ điện ảnh” và thành công lớn, thành công này đã tạo cảm hứng cho rất nhiều hãng phim hưởng ứng theo. Đây là một khối lượng công việc đồ sộ với những tình tiết, nhân vật được cài cắm thông minh xuyên suốt 22 bộ phim trải dài trong 11 năm. Xem xong mới thấy, đây không phải là kịch bản của một bộ phim riêng rẽ mà là một dự án đã được lên kế hoạch tỉ mỉ từ đầu. Mặc dầu rất nhiều bối cảnh, rất nhiều câu chuyện và nhân vật đan xen, nhưng chắc chắn người xem không thấy sự nhồi nhét hay dư thừa nào. Tất cả là một mảnh ghép trong bức tranh khổng lồ của MCU. Nhưng điểm hạn chế là, non – fan dễ bị ngợp.

  • Nhịp phim: có thể nói Avengers: Endgame là một bản symphony (nhạc giao hưởng) hoàn hảo. Mở đầu với tiếng Harmonica trong trẻo, sau đó bạn sẽ được nghe những âm thanh hòa quyện sống động, với sự dồn dập hùng hồn của trống, du dương của dương cầm, réo rắt của các loại kèn, xen lẫn vào đó là tiếng violon kéo dài như lời than khóc để đến đoạn cao trào sẽ vỡ òa cảm xúc.
  • Diễn xuất: mỗi nhân vật đều có đất diễn, thể hiện được vai trò trong câu chuyện và quan trọng là thể hiện được những điều làm nên nét riêng của mình. Sự thành công của MCU là sự thành công của tập thể, nên Ditah cảm giác mỗi diễn viên chỉ thể hiện ở mức tròn vai. Nhưng có lẽ sự đồng đều đó cũng là điểm góp phần tạo nên thành công: MCU là ngôi sao sáng nhất.
  • Hình ảnh, kỹ xảo, hành động: đẹp, lung linh, nhiều màu sắc, mãn nhãn. Đây là sở trường của MCU từ ngày đầu nên không cần nói nhiều. Bạn sẽ không có nhiều điểm chê trách.
  • Âm thanh: sử dụng rất nhiều bản Rock cổ điển, mở đầu bằng bản nhạc đã nổi tiếng từ năm 1967 “Dear Mr Fantasy” đã hứa hẹn một bộ phim chứa nhiều hoài niệm. Chất rock đã làm phim sôi nổi một cách sảng khoái với nhiều bài nhạc như “Come and get your love”, “Doom and Gloom”…
  • Hài hước: nhiều đoạn hài, hài tươi sáng dễ thương. Phim dài 3h nhưng bạn sẽ không tiếc bất cứ giây phút nào đâu.
  • Logic: phim đề cập đến vấn đề du hành thời gian, nên bạn nào có biết chút đỉnh về vật lý lượng tử, nghịch lý ông nội hay hiệu ứng cánh bướm (chỉ một chút thôi) sẽ thấy có nhiều chỗ chưa hợp lý. Nhưng thôi, chuyện này đâu có quan trọng, nếu bạn đã yêu thích một dòng phim, trong đó có cái cây biết đi và con chồn biết nói!!
  • Cảm xúc: đây là điều mà Ditah muốn nói nhất, nên viết sau cùng. Đây là lời tri ân hay nhất dành cho tất cả những người đã góp công sức vào MCU và “every single fan of MCU”. Ở những phim trước, bạn sẽ hụt hẫng vì nhiều khía cạnh chưa được khai thác đúng mức hoặc cái kết không thực sự rõ ràng, thì đây là chìa khóa cho tất cả. Và tất cả điều đó tạo nên cảm xúc rất đặc biệt: đó không chỉ là phim, về những nhân vật và trường đoạn mà bạn đã yêu thích trong những năm qua mà là những bài học về cuộc sống.

+ Hơn mười năm trước, Ditah là một trong những khán giả đầu tiên ở Sài Gòn được xem Iron man. Tất nhiên, khi là một “sanh diên”, bạn sẽ nhìn cuộc sống màu hồng với nhiều lý tưởng. Như hầu hết các thanh niên khác, Ditah thích siêu anh hùng vì đó là hình tượng cho cái thiện, cho công lý và những điều tốt đẹp. Ai cũng mong muốn mình trở nên đẹp hơn, tốt hơn trong mắt mọi người. Nhưng cuộc đời này tàn khốc lắm. Những ngã rẽ đã khiến các siêu anh hùng không còn giữ được lý tưởng như lúc xưa mà đan xen vào đó là những suy nghĩ về: gia đình, bạn bè, sự nghiệp, lòng tin. 11 năm MCU là 11 năm của những sự biến chuyển… Cuộc chiến chuyển dần từ kẻ thù sang chính những nội tại giữa các anh hùng và cuối cùng, đấu tranh ngay trong nội tâm từng người. “Con người thường thất bại trong khi cố gắng trở thành hình mẫu lý tưởng nào đó. Cho nên, thước đo đánh giá một người, là khi người đó là chính mình”. Cuộc sống hiện đại, mỗi sáng bước ra đường đi làm, ai cũng đeo cho mình vài lớp mặt nạ. Ẩn sau trong mỗi lớp mặt nạ, là những tâm hồn vô cảm, cố kềm nén cảm xúc của mình. Làm người tốt thật khó trong vòng xoáy xã hội này, vì khó nhất là bạn dám sống thật với cảm xúc của mình.

+ Nếu được quay về quá khứ, bạn sẽ thay đổi điều gì? Chắc hẳn khi coi Endgame, bạn sẽ đôi lần tự hỏi mình điều này. Thực tế, quá khứ là cái bạn không thể thay đổi được. “Vì khi bạn quay lại quá khứ, quá khứ đó sẽ là tương lai của bạn”. Cái ta có, chỉ là thực tại mà thôi. Và quay lại điều Ditah đã nói ở trên, khó nhất là bạn sống thật với cảm xúc của mình. Và khi bạn sống thật với chính mình, bạn đã là anh hùng rồi đó.

Đây là vài điều Ditah động lại sau khi xem Avenges: Endgame. Giữa chúng ta luôn tồn tại nhiều vũ trụ song song, “có người còn luyến tiếc cái cũ nên sẽ có người khó chấp nhận cái mới”, nên “the end is just the beginning”. Cám ơn bạn dù bạn là ai, nếu đã đọc đến đây bài viết của mình!

 

 

 

 

Ngày hôm qua, “War for the planet of the Apes” đã được công chiếu và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các nhà phê bình cũng như đông đảo khán giả. Ditah đã xem phim và những lời khen ngợi dành cho phim là chính xác. Series này xứng đáng bước vào ngôi nhà chung của các trilogy huyền thoại như The Dark knight, The Lord of the Rings… Nếu bạn hỏi Ditah rằng phim hay như thế nào? Ditah sẽ trả lời bạn rằng bộ phim này như món salad trộn trong buổi tiệc buffet nhiều dầu mỡ, một món ăn khác biệt khi bạn đã quá dư thừa với các món nướng, chiên xào.

Một điều quan trọng nhất làm nên thành công của loạt phim “Rise, Dawn và War of the Planet Apes” này chính là diễn xuất và công nghệ “motion capture”. Ditah xem và buộc phải thốt lên rằng: đó là bậc thầy, là master, đúng là awnsome luôn. Những gì Andy Serkis và các bạn diễn làm được thực sự đã biến Ceasar và loài khỉ trên phim trở thành những nhân vật thật đâu đó ngoài kia, không biết là Andy Serkis đã nhập vai thành Ceasar hay Andy Serkis chính là Ceasar. Các diễn viên và ekip kỹ thuật thành công  khi tạo ra được các nhân vật khỉ giống về hình dáng, cử chỉ mà còn thể hiện được nội tâm nhân vật qua những ánh mắt lúc hận thù, lúc đau khổ, khi thì chan chứa tình cảm. Để show hết tất cả kỹ năng của diễn viên, những cảnh quay trong phim đa phần là cận cảnh, những biểu cảm như cái nhếch mép, cái nhăn mặt, khuôn mặt ngạc nhiên hay lo sự phải nói là rõ mồn một luôn. Nhiều lúc thật quá mà cảnh quay gần, nhưng khuôn mặt là mặt khỉ nên Ditah cảm giác hơi rờn rợn, không phải vì sợ mà vì cái cảm giác xa lạ khi đối diện giống loài không giống như mình.

Điểm thu hút thứ hai là đạo diễn Matt Reeves đã gợi nhớ cho Ditah phong cách điện ảnh của thập niên 70 thế kỷ trước. Những đại cảnh với góc máy rộng khá giống với phong cách của cố đạo diễn Sergio Leone trong “Dollars Trilogy”. Những cảnh Ceasar và những người bạn cưỡi ngựa lướt đi trong tiếng nhạc khi trầm khi bổng làm Ditah kích thích ghê, cứ như đang được sống trong một thiên sử thi. Nếu các bạn để ý, cách hắt sáng trong phim để gương mặt nhân vật một bên sáng một bên mờ tối rất giống trong loạt phim Bố già. Cách chọn góc máy, rồi sử dụng ánh sáng hợp lý tạo nên cảm xúc dạt dào theo từng khung cảnh.

Tựa gốc có từ “War” và tựa tiếng Việt có chữ “Đại chiến” nên nhiều bạn hy vọng sẽ được xem một bộ phim hành động với tiết tấu nhanh, các cảnh bắn phá tưng bừng. Nhưng cuộc chiến trong phim không diễn ra như vậy. Tiết tấu phim vừa phải, các tình huống xảy ra hợp lý. Một cách khéo léo thông qua diễn biến câu chuyện và nội tâm nhân vật, các cuộc chiến từ từ xuất hiện và bùng nổ.

  • Ở cấp độ vĩ mô, thì đây là cuộc chiến cấp “planet”. Vâng, Ditah đang nói tới cuộc chiến với thiên nhiên. Thiên nhiên đã cho con người đầy đủ, thậm chí là quá nhiều so với cái con người thực sự cần. Nhưng con người với lòng tham, sự tự tôn thái quá đã từng bước, từng bước phá hoại thế giới tự nhiên. Khi Mẹ thiên nhiên nổi giận, con người hay bất kỳ giống loài nào cũng thật nhỏ bé và yếu ớt trước sức mạnh đó. Biển chết, nhiệt độ tăng lên, biến đổi khí hậu, nhiều con vật dần dần biến mất và đó chính là hậu quả mà con người phải gánh chịu khi dám tuyên chiến với Mẹ thiên nhiên.
  • Theo quy luật tự nhiên, một giống loài mới trỗi dậy sẽ ảnh hưởng đến sự thống trị của một giống loài khác. Để duy trì sự thống trị, liệu bạn có đủ tàn bạo đến mức vứt bỏ lòng nhân từ và chà đạp lên tất cả những người khác? Dù ở đâu, cái giá của tự do là máu và sinh mạng. Nhưng nếu không đấu tranh, chúng ta mãi mãi chỉ là những con khỉ bị nhốt trong chuồng.
  • Ở cấp độ vi mô, đó là cuộc chiến nội tâm của hai nhân vật luôn đối đầu nhau: một người – một khỉ, đó là Ceasar và Ngài Đại tá. Có nhiều con đường theo đuổi thù hận, nhưng kết cục chỉ có một: sự đau thương.
  • Bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng bắt đầu từ những cuộc cãi vã, những ngôn từ cay độc được thốt ra từ miệng dễ làm người khác đau nhói. Nova là biểu tượng của sự sơ khai và thuần khiết, cũng có thể là một giống loài mới mà Mẹ thiên nhiên gieo hạt trong lòng Trái Đất đầy mâu thuẫn. Nova là một cô bé không nói được. Từ đó là một cuộc chiến khác, một cuộc chiến chỉ mới bắt đầu. Một cuộc chiến của giống loài mới đi tìm sự hòa nhập. Một ngôi sao lụi tàn cũng là lúc một ngôi sao khác lấp lánh hơn thay thế, đó là một tân tinh (Nova).

Tựa gốc: Exodus: Gods and Kings

Đạo diễn: Ridley Scott

Diễn viên: Christian Bale, Joel Edgerton, Ben Kingsley

Sản xuất: 20th Century Fox.

EXODUS: CON ĐƯỜNG TỰ DO

“Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, và Ditah dành tặng bài viết này cho người con gái Ditah đang nhớ nhung – hy vọng em tìm được bài viết này”

Được dịp nghỉ lễ đầu năm, hôm nay Ditah có thời gian rảnh rỗi lượn lờ các rạp xi – nê và xem tất cả những bộ phim mà mình mong chờ. Lúc đầu, Ditah không dự định viết Review đâu, nhưng sau khi xem xong phim “Exodus: Gods and Kings” Ditah đã tự dặn với lòng bằng mọi giá sẽ viết review. Rồi Ditah mới chợt nhận ra rằng gần hai năm trời mà Ditah chưa viết bất kỳ một review nào! Có một câu nói rất nổi tiếng thế này: “ai rồi cũng thay đổi”, và điều này đúng với chính bản thân Ditah, như chính cái việc viết review phim vậy. Ditah chắc chắn không phải là nhà phê bình phim, cũng không phải người trong nghề. Ditah viết review đơn thuần thể hiện sự đam mê với loại hình nghệ thuật mình yêu thích, và viết review – cũng là một cách viết nhật ký thông qua một bộ phim mình đã xem. Ngày xưa háo hức lắm, cứ coi được phim nào là về cắm cúi viết ngay. Còn bây giờ, trước khi xem phim phải cân nhắc hay – dở, xem xong cũng để đó, rồi lại lao vào đủ thức công việc, đủ thứ lo toan. Đúng là thời gian trôi qua, cuộc sống thay đổi, vô tình Ditah cũng trở thành con người khác rất nhiều so với lúc xưa.

Điều đầu tiên Ditah muốn nói, đó chính là cách đặt tựa phim tiếng Việt “Cuộc chiến chống Pha – ra – ông”. Việc đặt tựa phim tiếng Việt trước giờ đã có quá nhiều tranh cãi, quá nhiều chủ đề bình luận trên các trang báo chính thống cũng như các diễn đàn mạng. Các nhà phát hành phim có cái khó của mình, khan giả có cách nghĩ của họ. Riêng Ditah trước giờ vẫn thích đặt tựa phim theo ý mình (tất nhiên là sau khi thưởng thức xong nội dung). “Exodus” bản thân từ này đã hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Hiểu theo cách chân phương nhất, tiếng Việt “Exodus” là sự ra đi. Còn hiểu theo kinh Thánh, “Exodus” là hành trình vĩ đại của nhân dân Do Thái (Hebrew) rời khỏi Ai Cập đi tìm miền đất hứa xuyên qua Hồng Hải. Ngày nay, Exodus còn được rất nhiều người ám chỉ một cuộc cách mạng hay một sự ra đi tìm kiếm tự do, tìm kiếm một phát minh vĩ đại hơn. Qua nội dung cũng như hàm ý mà các nhà làm phim muốn chuyển tải,Ditah thấy tựa đề “Hành trình tự do” sẽ hợp và gần gũi hơn.

Đây là một phim mang tính sử thi! Và khán giả mong chờ gì ở một phim mang tính sử thi như vậy? Thứ nhất, phải hùng tráng – chắc chắn rồi, và thứ hai, quan trọng hơn là tình tiết câu chuyện đi vào lòng người. Theo Ditah, phim chỉ làm tốt vế đầu: thể hiện được sự hùng tráng – nhờ vào kỹ xảo 3D, âm thanh và âm nhạc. Sự hùng tráng được thể hiện qua những cảnh chiến trường khốc liệt với kỵ binh, chiến xa và tầng tầng lớp lớp quân lính cùng việc tái hiện lại kinh thành Memphis uy nghi, rộng lớn với những Kim tự tháp, đền đài, cung điện. Có thể nói kỹ xảo 3D rất tuyệt: cảm giác về chiều sâu rõ ràng, hình ảnh chân thực, sắc nét và rất nhiều đại cảnh hoành tráng không thể bỏ qua. Âm nhạc cũng góp phần không nhỏ tạo nên không khí hùng tráng (có phần bi ai) này, Ditah không biết chính xác đây là thể loại gì, bắt nguồn từ đâu, hòa âm như thế nào nhưng Ditah cảm thấy hay và phù hợp với những gì đang diễn ra , và đặc biệt là âm nhạc đã tạo nên cái không khí huyền bí của bộ phim.

Câu chuyện Moses thống lĩnh nhân dân Do Thái tìm miền đất hứa đã quá quen thuộc với khán giả từ điện ảnh, truyền hình, kịch cho đến tiểu thuyết, truyện tranh. Chính vì nó quá quen thuộc nên khán giả cần một điều gì đó mới mẻ, đặc biệt là việc tạo nên cao trào. Nội dung phim xoay quanh ba xung đột. Thứ nhất, là xung đột giữa nhân dân Do Thái và giới cầm quyền Ai Cập, thứ hai là xung đột gia đình giữa một người con ruột (Ramses) và người con nuôi (Moses) và thứ ba chính là xung đột trong chính bản thân con người Moses. Theo Ditah, cả ba xung đột này chưa được khai thác triệt để và cũng chưa đưa mâu thuẫn giữa hai bên lên mức cao nhất.

Cụ thể, phim chỉ thể hiện được sự áp bức của giới cầm quyền Ai Cập đối với người Do Thái với những hành động đánh đập, chém giết, bắt lao động khổ sai. Điều này mới thể hiện được cái “khổ” của người Do Thái, còn cái khát khao tự do, khát khao được quay về nguồn thì chưa được diễn tả nhiều (có chăng chỉ là qua đối thoại giữa các nhân vật). Trong những bi kịch gia đình ngoài sự tham lam, quyền lực giữa đôi bên thì tình cảm phải là mối dây xuyên suốt. Trong câu chuyện này, chúng ta chưa bắt gặp được tình cha – con, anh – em, vua – tôi. Thay vào đó, là sự thù hận được đẩy đi quá xa, đến mức đem cả nhân dân của mình ra làm những con tốt thí. Quay lại với trường hợp của Moses, Ditah chưa thấy những điều lớn lao mà Moses đã làm được, hay chí ít là những tình tiết khiến anh trở nên vĩ đại – những điều kiện khiến anh có thể thống lĩnh mọi người và trở thành điểm tựa cho nhân dân.

Chính vì những điều Ditah vừa phân tích nên nội dung phim chưa sâu và chưa lấy được nhiều cảm xúc nơi khán giả. Nhưng đây vẫn là một phim giải trí tốt và rất đáng xem. Bên cạnh đó, phim có hai thông điệp (về tình yêu và đức tin) khiến Ditah rất tâm đắc. Cũng vì hai thông điệp này mà Ditah đã quyết tâm viết Review. Thứ nhất là thông điệp về tình yêu thông qua mối tình giữa Moses và Zippoah: “I love everything what I know about you. And I trust in what I don’t” (anh yêu những gì anh biết về em và tin tưởng những gì anh chưa biết). Ditah tin tình yêu xuất phát từ con tim, từ những cảm xúc đầu tiên chứ không phải trải qua bao nhiêu thời gian mới là yêu. Ví dụ. bạn quen ba người con gái, sau thời gian tìm hiểu bạn chọn một cô làm vợ thì Ditah cho rằng đó là sự lựa chọn – thiên về lý trí chứ không phải là con tim. Nhiều bạn xem phim xong có bình luận về mối tình Moses – Zippoah thế này : “sao nhanh quá, sao lẹ vậy”. Còn Ditah lại nghĩ như vậy rất hợp lý và lãng mạn, vì hai người đã tin tưởng nhau từ những lần gặp gỡ đầu tiên. Nhiều bạn bây giờ, yêu nhau sao nhanh quá: mới quen được vài ngày đã vội\nói tiếng yêu và cũng chia tay rất nhanh sau khi nói lên tiếng yêu này. Tình cảm đó giống như trò chơi một cuộc bán – mua. Tình cảm chỉ thực sự bền vững khi hai con người rung động, tin tưởng và sống vì nhau. Và quan điểm thứ hai làm Ditah suy nghĩ đó chính là : “Chúa ở trong chúng ta”. Rất nhiều Tôn giáo đã đề cập đến điều này: “Phật tại tâm” hoặc “chúng ta chính là Chúa trời”. Trong phim, Moses thường xuyên đối thoại với “người sứ giả” – nhưng sự thật làm gì có sứ giả nào? Chỉ có Moses đang đầu tranh tư tưởng với chính mình trong con đường anh tự hoàn thiện bản thân, và khi đã hoàn thiện mình, tìm được chân lý cũng như “chân, thiện, mỹ” bên trong, anh đã trở thành đấng cứu thế cho nhân dân Do Thái. Cuối phim, có một hình ảnh Ditah cho là rất đắt: hình ảnh “người sứ giả” đứng lẫn vào dòng người và biến mất. Điều này nói lên rằng, ai cũng có thể là Chúa trời, Chúa trời bên cạnh chúng ta nếu chúng ta biết tin tưởng và thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho những người xung quanh mình.

 

Ai cứu Trái Đất?

Review phim Man of steel

Tựa gốc: Superman: Man of steel
Hãng sản xuất: Warner Bros, Legendary Pictures
Thể loại: hành động, phiêu lưu, viễn tưởng
Độ dài: 143 phút
Đạo diễn: Zack Snyder
Biên kịch: David S. Goyer, Christopher Nolan…
Âm nhạc: Hans Zimmer
Diễn viên chính: Henry Cavill, Amy Adams, Russel Crowe, Kevin Costner, Michael Shannon…

Đọc tiếp »

Giải cứu tướng gia

Tên tiếng Anh: Saving General Yang.
Nước sản xuất: Trung Quốc
Độ dài: 102 phút
Thể loại: cổ trang, chiến tranh.
Đạo diễn: Vu Nhân Thái
Diễn viên: Trịnh Thiếu Thu, Trịnh Y Kiện, Châu Du Dân, Lâm Phong, Ngô Tôn, An Dĩ Hiên…

Review phim

 

Đọc tiếp »


Star Trek Into Darkness

Tựa gốc: Star Trek Into Darkness.
Hãng sản xuất: Paramount Pictures.
Độ dài: 132 phút.
Thể loại: khoa học viễn tưởng, hành động, phiêu lưu.
Đạo diễn: J.J Abrams
Diễn viên: Chris Pine, Zachary Quinto, Zoe Saldana, Benedict Cumberbatch…

Review phim

Đọc tiếp »

Iron man 3: Người sắt trở lại

Tựa gốc: IRON MAN 3
Đề tài: Siêu anh hùng, hành động
Diễn viên: Robert Downey Jr., Guy Pearce, Gwyneth Paltrow, Ben Kingsley…
Đạo diễn: Shane Black
Nước sx: Mỹ
Độ dài: 131′

Review phim Iron man 3

Đọc tiếp »

LIFE OF PI

Tên tiếng Việt: Cuộc đời của Pi.
Đề tài: Phiêu lưu, Kịch tính
Diễn viên: Suraj Sharma, Irrfan Khan…
Đạo diễn: Lý An
Nước sx: Mỹ
Độ dài: 127′

Tính ra thì lâu lắm rồi Ditah mới lại viết review phim. Một phần Ditah ít viết là vì năm nay ít phim làm Ditah cảm thấy ấn tượng và xúc động. Nhưng phim “Life of Pi” thì khác. Đây là một bộ phim thỏa mãn được Ditah cả về tính giải trí lẫn những ý nghĩa sâu sắc ẩn trong phim.

Đọc tiếp »

BIỆT ĐỘI SIÊU ANH HÙNG

Tựa gốc: THE AVENGERS (3D)
Đề tài: Siêu anh hùng, hành động, viễn tưởng
Diễn viên: Robert Downey Jr., Chris Evans, Scarlett Johansson, Nick Fury, Tom Hiddleston, Jeremy Renner…
Đạo diễn: Joss Whedon
Hãng sx: Marvel Enterprises
Nước sx: Mỹ
Độ dài: 137 phút
Khởi chiếu: 27/04/2012

Poster The Avengers

Đọc tiếp »